Cuôc đời là một cái cây, mỗi ngày trôi qua là một chiếc lá rụng. Chúng ta biết rõ nó sẽ kết thúc ở thời điểm mà không còn chiếc lá nào trên cành. Đó là điều mà mẹ tự nhiên đã ban cho chúng ta, không ai có thể cản lại. “Cứu bóng hoàng hôn” là bài hát nâng cảm xúc trong những ngày cuối cùng ấy lên bằng sự hối tiếc quãng đời đã qua.
Bài hát bắt đầu với hình ảnh những con sông đổ vào biển, tác giả lại dùng từ “thoáng” để chỉ ra rằng cái cảm quan của nhân vật là không thật sự chú ý đến những con sông đó. Nó đối nghịch với “biết bao lần” giọng cười của ai đó đưa nhân vật về “cuối đường”. Giọng cười đó giống như dòng nước đẩy chính dòng sông của nhân vật về với biển bao la. Trong cuộc đời, người ta thường bỏ qua những con người đã xa, những nổi buồn, và rồi chỉ quan tâm đến những tiếng cười, những niềm vui của bản thân mà không nghĩ đó là thứ sẽ đưa cuộc đời về điểm cuối nhanh hơn. Chỉ hai câu đầu, tác giả đã cho mọi người thấy bản chất ham vui, ích kỷ của con người.
“Vườn bướm hoa nay đã tàn, làn khói sương đang lững lờ đi đến”. Lại một cặp hình ảnh đối lập, màu sắc tươi vui của khu vườn tình ái được thay thế một cách từ từ bằng sự u ám của khói sương. Hình ảnh này cho thấy nhân vật không thể phản kháng trước những gì đã, đang và sẽ mất đi cũng như những thứ đã, đang và sẽ đến.
Hành động tiếp theo của nhân vật là sự thoát li khỏi thế giới ích kỷ của bản thân. Tâm rèm mỏng mà nhân vật vén lên là vách ngăn giữa thế giới nội tâm và thế giới đời sống. Giữa một thế giới đã ám màu “sương khói” và thế giới vẫn còn ánh sáng ở bên ngoài. Nhân vật đi từng bước “vị tha”. Vị tha cho ai? Vị tha cho chính bản thân. Vị tha cho sự ích kỷ bấy lâu đã nhốt nhân vật trong căn phòng nội tâm. Nhưng cái bên ngoài là “bóng nắng” chứ không phải là “ánh nắng’. Tác giả chỉ ra rằng cái mà nhân vật thấy ở bên ngoài cũng đã bắt đầu phai tàn. Với những câu hát sau đó, điều này càng được thể hiện rõ.
Điều mà nhân vật đã bỏ qua trong suốt thời gian sống trong căn phòng ích kỷ. “Bông hoa tường vi” là hình ảnh của tuổi trẻ đã phí hoài. “Thời gian lấy đi tuổi xanh” là cảm xúc của nhân vật khi chứng kiến sự tạn lụi ấy xẩy ra trước mắt. Cũng giống bông hoa tường vi mỏng manh trong gió, bản chất của cuộc đời cũng mỏng manh như vậy, không biết rơi rụng lúc nào.
Rõ ràng ngày đêm là hệ quả của ánh nắng mặt trời, nhưng tác giả lại nói “nắng tắt theo ngày”. Giống như nắng đang là người phụ thuộc. Nắng đang muốn ở lại nhưng bị bắt buộc phải đi sao? Tác giả dùng hai từ cùng dấu năng là “lọt” và “tận” cho thấy sự đột ngột của thời khắc hoàng hôn. Mọi ánh sáng dường như quy tụ về một điểm xa xôi trong không gian rồi mất hút. Cái đột ngột này cộng với những nốt nhạc trầm uống ở sau đó làm mọi thứ u tối hơn nữa. “Mây che mù” ở “một khoảng trời” khiến nó “âm u”. Khung cảnh như khiến nhân vật đang lọt vào đó sự đen tối.
“Hoa mây” là hình ảnh của tuổi già. Nó đậu xuống tóc của nhân vật khiến tóc “trắng phau”. Giờ đây, nhân vật đã thực sự ở trong không gian của những ngày tháng cuối. Những câu sau là lời cầu nguyện yếu ớt cuối cùng. Nhưng nhân vật lại cầu cho “tình sầu”. Thứ bí ẩn nhất trong bài hát này chính là “tình sầu”. Không rõ “tình sầu” này là của ai? Của nhân vật, hay của những người đứng ngoài? Câu sau chính là câu trả lời cho thắc mắc ấy.
“Cầu mong” và “chờ trông” là hai từ cho thấy sự tuyệt vọng của nhân vật. “Khoảng trống giữa mùa đông” là hình ảnh ẩn ý cho việc nhân vật chỉ cô đơn một mình. “Cứu bóng hoàng hôn” là sự níu kéo cuối cùng của nhân vật. Đã là “hoàng hôn” thì sau đó chỉ là bóng tối, cái bóng của hoàng hôn chỉ là cái mà nhân vật tưởng tượng ra. Cố bám lấy trong những giây phút cuối.
“à ha ha há”
Sau những lời ca đệm là sự buông xuôi. Nhân vật không thể làm gì được nữa. Hoàng hôn cũng đi qua đồi. Không ai có thể cản lại tạo hóa, sự tự nhiên của sinh lão bệnh tử, tiến trình ấy từ lúc “bên vành nôi” đến lúc “xa đời”.